Hà Tĩnh cấm dạy thêm sau tâm thư "đánh cắp tuổi thơ"
VHO- “... Những đứa trẻ của chúng ta đang bị đánh cắp tuổi thơ thầy cô ạ. Các con học thứ Bảy, Chủ nhật, học ở trường, học ở nhà cô, học đến 10 giờ tối mới được phép trở về với những cái ngáp dài mệt mỏi… Do việc học thêm nên các con không có thời gian vui chơi, không có thời gian tìm hiểu về thế giới xung quanh và các con đang phát triển lệch lạc”.
Đại diện các trường ký cam kết chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trước sự chứng kiến của Phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh (Ảnh: Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cung cấp)
Chứng kiến việc “bội thực” học của những đứa cháu, mới đây, trong bức tâm thư gửi tới Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, một người dân giấu tên cho biết có 5 cháu đang học tiểu học trên địa bàn tỉnh, xin nêu ý kiến đóng góp về tình trạng dạy thêm, học thêm tại địa phương.
Bất lực khi trẻ mất tuổi thơ!
Nội dung bức thư trình bày: “Kính thưa các thầy, cô, thời của tôi đi học khác rất nhiều, nhưng theo tôi nghĩ, mục đích của giáo dục học sinh tiểu học cũng chỉ để các con có kỹ năng sống, biết đọc, viết, làm toán, biết sống yêu thương… Tôi nghĩ rằng những đứa trẻ ngày nay thông minh, sáng tạo, vậy thì việc đó cũng không khó lắm đâu. Thế mà những đứa trẻ trong thành phố của chúng ta đang bị đánh cắp tuổi thơ thầy cô ạ. Các con học thứ Bảy, Chủ nhật, học ở trường, học ở nhà cô, học đến 10 giờ tối mới được phép trở về với những cái ngáp dài mệt mỏi. Đành rằng không ép buộc và là tự nguyện, nhưng các thầy cô đã tìm mọi cách để các con học thêm, để tăng thêm thu nhập. Điều này ảnh hưởng đến cả một thế hệ học sinh trong thành phố chúng ta… Do việc học thêm nên các con không có thời gian vui chơi, không có thời gian tìm hiểu về thế giới xung quanh và các con đang bị phát triển lệch lạc. Ngày xưa, chỉ mỗi trung tâm tiếng Anh nhưng bây giờ thêm cả trung tâm Toán, tiếng Việt. Các con tan trường chưa kịp ăn tối, lại phải đến trung tâm học…”.
Người viết tâm thư nhắn gửi: “Góp ý thì chúng bảo ai cũng phải học thì mới mong đậu vào trường mong muốn. Nghe các cháu nói vậy, tôi đành trở thành cụ già bất lực, thương cháu đứt ruột mà chẳng biết làm sao, đành đem tâm sự này thỉnh cầu thầy cô giúp đỡ!”.
Nói phải đi đôi với làm
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn chỉ đạo ngành Giáo dục và các địa phương chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Thế nhưng, thực tế chỉ đạo trên đã không được thực hiện một cách nghiêm túc. Hậu quả của việc mở lớp dạy thêm tràn lan đã gây ra nhiều sự việc đáng lên án, gây bức xúc dư luận. Cụ thể, vào tháng 3.2023, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Hà đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đặng Minh T (52 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Thụ Lộc, huyện Lộc Hà) về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, theo Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự. Đặng Minh T không tuân thủ cam kết không dạy thêm đã tổ chức mở lớp ở nhà. Phụ huynh T.Q.N (trú xã Phù Lưu) đã làm đơn tố giác thầy giáo T có hành vi sàm sỡ cháu H.Y (học sinh lớp 5, do thầy T chủ nhiệm). Quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện, trong thời gian dạy phụ đạo tại nhà ở thôn Thanh Mỹ, xã Phù Lưu, Đặng Minh T không chỉ sàm sỡ với cháu H.Y, mà còn nhiều lần giao cấu với một học sinh cũ, hiện đang học tại một trường THCS trên địa bàn.
Học sinh Trường Tiểu học Hà Tĩnh tham gia các hoạt động vui chơi ngoại khóa
Trao đổi vấn đề này, bà Trần Thị Thủy Nga, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh cho biết: Sau sự việc xâm hại đáng tiếc xảy ra ngay tại điểm học thêm và nhận được bức tâm thư phản ánh về tình trạng dạy thêm, học thêm của một người dân có 5 cháu đang là học sinh tiểu học, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã vào cuộc quyết liệt, ban hành văn bản về hướng dẫn thực hiện một số nội dung chuyên môn cuối năm học 2022-2023, trong đó cấm việc tổ chức dạy học, ôn tập, phụ đạo cho học sinh.
Theo nội dung văn bản, đối với cấp tiểu học, việc tổ chức ôn tập, phụ đạo học sinh được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học dưới bất kỳ hình thức nào, trừ các trường hợp như bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và kỹ năng sống. Phòng GD&ĐT cũng ban hành văn bản gửi các trường học trên địa bàn về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn, trong đó nêu rõ không dạy thêm đối với trẻ mầm non đã hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị vào học lớp 1 và học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như Sở GD&ĐT hướng dẫn. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên ở Hà Tĩnh chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.
Với tinh thần thực hiện quyết liệt, Phòng GD&ĐT thành phố đã tổ chức cho Hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS ký cam kết với lãnh đạo Phòng; giáo viên ký cam kết với lãnh đạo nhà trường; đồng thời, đôn đốc công tác kiểm tra, giám sát, giao trách nhiệm cho người đứng đầu. Phòng cũng thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời sẽ xử lý, kỷ luật với trường hợp làm trái quy định.
Ngay sau khi có hướng dẫn của Sở GD&ĐT, đặc biệt văn bản chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, nhiều phụ huynh ở TP Hà Tĩnh đã thở phào nhẹ nhõm. Chị Lê Thị L, một phụ huynh có con học lớp 5 ở phường Thạch Quý bày tỏ: “Với tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè nên hầu hết các phụ huynh đều tìm chỗ cho con học thêm. Vô tình điều này đã trở thành “phong trào”. Trước đây, mỗi tuần tôi cho cháu học thêm 5 buổi các môn tiếng Anh và Toán. Bài tập ở trường, bài tập học thêm khiến nhiều lúc cả mẹ và con đều cảm thấy áp lực. Chúng tôi nhận thấy nên trả lại khoảng thời gian nghỉ ngơi, trả lại niềm vui trẻ thơ cho các con”.
Bà Trần Thị Thủy Nga, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh thông tin thêm: “Kể từ khi việc ký cam kết được thực hiện, hoạt động dạy thêm, học thêm đã có chiều hướng giảm, nhiều lớp học thêm tự động giải tán. Tuy nhiên, qua nắm bắt, chúng tôi nhận thấy tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn đang nhiều bất cập và khó kiểm soát. Hoạt động này được thực hiện ở ngoài trường học và các lớp học được tổ chức theo nhu cầu của phụ huynh”.
Có thể nói, cùng với tinh thần tự giác của mỗi giáo viên trong việc thực hiện quy định này, rất cần sự phối hợp thực hiện của các bậc phụ huynh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát thì mới mong con em chúng ta được sống với tuổi thơ đúng nghĩa.
PHẠM TƯỚC